Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Cù lao An Bình và Bình Hòa Phước


Vị trí: Cù Lao An Bình và Bình Hòa Phước nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, Cù Lao gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đặc điểm: Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, sapôchê...
Các điểm du lịch trên cù lao này là:

Vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo tại ấp Bình Thuận xã Hoà Ninh với hàng trăm loài cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thuỷ, lài... xung quanh nhà là vườn nhãn và ao nuôi cá tai tượng, loại cá thịt ngon.
Nhà sàn ông Mười Ðầy: nhà sàn cất bằng gỗ trên rạch Ninh Hoà, phía sau nhà là vườn nhãn, bưởi, sapôchê. Nhà ông Mười Đầy là một trong sso điểm tham quan ở cù lao này.

Ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng được xây cất theo kiến trúc Pháp có sân rộng và phía sau là vườn chôm chôm và nhãn. Ðây là nơi ăn trưa và nghỉ đêm của du khách.

Các vườn trái cây đặc sản khác Vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác.
Vườn bưởi trên cù lao Mỹ Hoà huyện Bình Minh, cách Vĩnh Long 30km, chuyên trồng bưởi năm roi, loại bưởi ngon nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Cá lăng nấu ngót


Cá lăng nấu ngót cũng là món ngon, bình dân và rất dễ làm. Mua cá lăng nghệ, một con chừng 500g thật tươi về rửa sạch, cắt ra làm ba khúc (đầu, bụng, đuôi) để ráo và sau đó ướp vào một muỗng cà phê muối, một ít tiêu để khoảng 20 phút cho cá thấm. Cần tây, hành lá rửa sạch, cắt khúc; cà chua thái miếng nhỏ. 

Bắc nồi lên bếp cho nóng, đổ dầu vào và khử hành củ cho thơm. Đổ nước lạnh vào nồi, tùy theo lượng khách mà bạn cho nước. Sau đó đun thật sôi. Nước sôi bỏ cá vào và nêm nếm gia vị, gồm nước mắm, muối, bột ngọt. Cá chín và sôi lại lần nữa cho cà chua, cần tây vào nhắc xuống. Bỏ hành lá và khi ăn vắt chanh cho đủ gia vị, vị chua của chanh, vị ngọt của cá và với các loại gia vị nêm nếm khác sẽ đem lại cho khách một món ăn ngon miệng, ngạt ngào hương vị đồng quê. 

Có thể ăn kèm với dưa leo, rau sống hoặc ngó sen, dưa bồn bồn, bông súng bóp dấm để chấm. Món nầy ăn nóng với cơm hoặc bún rất ngon. Cá lăng nghệ hiện nay có bán ở các chợ miền Tây giá khoảng 50.000đ/kg. 
                           Nguồn : TBKTSG online 

ốc lác hấp lá gừng


Ốc lác hấp lá gừng non là một món ngon dân dã, dễ làm, dễ tìm nguyên liệu. Tìm mua hoặc chịu khó mò vớt trong mương vườn, nhặt trên ruộng chừng một ký lô ốc lác loại bằng đầu ngón chân cái. Ngâm nước vo cơm vài tiếng đồng hồ, hoặc trong nước sạch chừng 24 giờ cho ốc nhả cặn. Rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi cho thơm. 

Vớt ốc ra rổ, lau khô mình ốc. Phần thịt ốc thái hạt lựu nhỏ để riêng. Thịt nạc vai băm nhuyễn. Nấm rơm ngâm nở thái nhỏ. Gừng một phần thái chỉ ngâm nước, còn lại giã nhỏ. Lá gừng rửa sạch để ráo. Trộn thịt ốc với một chút nước gừng, hạt tiêu, bột ngọt, ớt băm nhỏ, nấm hương, nạc vai, bún tàu. Nhồi nhân cho dẻo, để ngấm chừng 10 phút. 

Đặt lá gừng ngang miệng ốc, nhồi nhân vào cho đầy ngang miệng ốc, thoa mặt nhân cho mịn, xếp ốc vào lồng hấp. Đem hấp cách thuỷ khoảng 15 phút. Khi ốc nhồi chín, lấy ra bày vào đĩa, rắc gừng thái chỉ, ớt tỉa hoa trang trí. Nắm hai đầu lá gừng kéo thịt nhồi ra, ăn nóng chấm nhồi ốc với nước mắm chua cay. Món này có mùi thơm đặc trưng của ốc với lá gừng non, vị lạ mà ngon, rất hấp dẫn. 
  Nguồn : TBKTSG online 



Khoai lang mắm sống cuốn lá cách




Trong lần về nói chuyện về âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở Vĩnh Long, Giáo sư Trần Văn Khê được nhà ăn Tỉnh ủy đãi món khoai lang cặp với mắm sống cuốn lá cách. Giáo sư ăn vài miếng, gật đầu khen ngon: “Món ăn dân dã này hoàn toàn có thể nâng cấp lên để có tên trong các nhà hàng, quán ăn”.

Khoai lang mắm sống cuốn lá cách là món ăn có từ thời khẩn hoang ở Nam bộ, hiện còn tồn tại ở vùng chuyên canh khoai lang phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nằm sát bên dòng sông Hậu, vào mùa nước nổi, tôm cá hội tụ về, người dân ở đây tranh thủ đánh bắt, cá dư thừa làm khô, ủ mắm. Trong đó các loại mắm mà họ làm thì mắm cá trèn, cá linh, cá sặt... là đặc sản nổi tiếng của vùng này. Vào mùa thu hoạch khoai, bà con nông dân thường đem cả hũ mắm ra đồng. Khoai mới dỡ đem luộc cả nồi to tướng.

Hái mấy trái dừa rám vỏ (dừa đã cứng vỏ nhưng chưa khô), lá cách, cùng mớ rau cải “quơ” ở quanh ruộng là đã thành một món ăn khoái khẩu trong giữa giờ lao động cho hàng chục người. Khoai luộc xong bóc bỏ vỏ, cặp với một con mắm sống vàng ươm, thơm lừng, rắc dừa nạo lên cùng rau cải các thứ, thêm chút ớt, sau cùng gói bằng chiếc lá cách to. Món ăn này vừa có vị ngọt bùi của khoai lang, vừa có mùi vị mặn đậm đà của mắm (ngon nhất là mắm cá trèn sông Hậu), vị béo của cơm dừa nạo, vừa có mùi thơm đặc trưng của lá cách, rau vườn, tất cả hòa quyện thành một món ăn dân dã ngon khó tả. Cuộn khoai lang mắm sống lá cách này cứ liên tục được những người lao động vừa ăn vừa ca hát, nói cười rôm rả, thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Dần dà món khoai lang mắm sống cuốn lá cách thành món ăn khai vị trong các bữa nhậu, tiệc tùng, đãi khách ở địa phương.

Hiện nay nhiều người ở thành thị sau khi dùng thử món ăn này đều cho rằng: khoai lang sau khi luộc, bóc vỏ nên xẻ thành từng miếng nhỏ; mắm lựa thứ ngon nhất; dừa nạo, rau cải các thứ cuốn lá cách cho đẹp rồi bày ra dĩa trông cũng “lịch sự” lắm chứ. Như thế món ngon dân dã này sẽ nghiễm nhiên có mặt tại các quán ăn, nhà hàng, trở thành món khoái khẩu cho những thực khách hâm mộ món ngon vật lạ.
Theo Báo Cần Thơ


Cá Lóc nướng trui Vĩnh Long


Nướng trui không bao giờ để cá lên vĩ, bên dưới hừng hực than hồng, như nướng những thức ăn khác mà phải nướng lửa. Ngọn lửa rơm, nếu làm khác đi, miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui.
Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt. Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm "không chịu nổi".

Việc nướng cá nghe thì tưởng dễ nhưng nếu không phải là tay thành thạo thì nướng sẽ không được ngon!  Cái giỏi của người có tay nghề là rơm phủ chỉ có một lần. Rơm cháy vừa hết thì cá cùng vừa chín đến nơi. Qúa chín thì cá hết ngọt, chưa chín tới cá nhão có mùi tanh, chất nhiều rơm cá khét, rơm thiếu cá sống khúc đầu, đốt thêm lửa, khúc giữa và khúc đuôi khô nước mất ngon.
Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm, các loại để lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt giữa lớp rau xanh cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.
Rau, trước nhất không thể thiếu rau dấp cá kế đến húng cây, húng lũi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, đặc biệt các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn .... Miếng cá vừa thơm vừa ngọt, ăn cho đến da cá thì còn phải tốn thêm vài xị rượu đế làng quê, miếng da vừa giòn vừa thơm nếu bỏ đi là người chưa biết thưởng thức "cá lóc nướng trui". Không phải lúc nào "Đệ nhất nướng trui" cũng được trang trọng giữa bàn tiệc trong nhà, đôi khi "cá lóc nướng trui" cũng bày ra ngay trên bờ đê giữa ruộng lúa vừa gặt xong. Vậy mà người thích "cá lóc nướng trui" lại khó quên kiểu ăn dân dã ấy, bởi vì nướng hơn chiên ở chỗ giữ được mùi thơm riêng biệt đáp ứng khẩu phần hạn chế dầu mỡ.
Theo nguồn Internet





Chuột đồng nướng Vĩnh Long


Thịt chuột đồng thơm phức trắng như thịt gà và mềm như thịt thỏ, vị của nó thật khó tả, ngọn đậm và thơm. Có lẽ món chuột gắp nướng hấp dẫn hơn cả vì giữ được vị ngọt thịt tươi và mùi thơm đặc trưng không hề lẫn lộn với bất kỳ loại thực phẩm nào.
Cách chế biến món chuột nướng cũng đơn giản và nhanh, nên có thể gọi nó là "fast food đồng quê" cho những người sành điệu "chuột đồng 7 món"! Hằng năm, từ tháng 10 đến sa mưa (tháng 3 âm lịch) là mùa chuột đồng kiếm được nguồn thức ăn dồi dào nhất nên con nào cũng ú tròn, lông mượt vàng - cũng là mùa dân ruộng săn chuột đồng. Tháng chạp vào thu hoạch lúa mùa thường niên, dân gặt dùng cách cắt lúa xoay cù, rồi bao lưới dí bắt chuột. Khi đồng khô, dẫn chó đi đào hang săn bắt. Những đêm trăng sáng, trai tráng trong xóm rủ nhau ra bưng, lung, đìa (nơi có nhiều cỏ rậm rạp) giậm cù, đặt xà di bắt chuột. Thời bây giờ, khi đồng ruộng tăng vụ sản xuất, ngoài cách đơn giản là làm rập đất, rập lồng để bẫy chuột, người ta còn chế ra cách chất chà, đấp ụ đất để nhử bắt chuột...
Chuột chọn nướng phải còn sống, mập (nhiều mỡ). Sau khi giết, người ta phủ rơm lên thui lông chuột (rơm vừa đủ thui trụi lông và phải là rơm khô, thịt mới giữ mùi); sau đó cời than ra và cắt đầu, lột da, bóc bỏ bộ lòng (chỉ chừa gan). Móc bỏ bộ phận bài tiết và hạch ở bẹn của hai đùi sau và rửa sạch (phải làm thật kỹ, nếu không thịt sẽ khai và hôi mùi chuột).

Dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ, cháy xèo xèo. Bạn không cần ướp gia vị nhưng mùi thơm của nó có thể lan xa... khắp xóm!
Muốn ăn chuột nướng, bạn nhất thiết phải có rau răm (nó xoá mùi tanh, làm đậm mùi thơm của thịt). Bạn có thể thêm chuối chát, khế và các loại rau mùi khác. Tuy nhiên, không thể thiếu xoài sống: xoài cắt lát để ăn kèm với thịt. Bằm nhuyễn một ít xoài cho vào nước mắm trong loại ngon, thêm một chút ớt cay để làm nước chấm.
Chuột đồng còn được người dân miền Tây đem đi quay, chuột quay lu ( hay nướng lu) là một món ăn rất ngon và dễ làm. Sau khi làm lông, chuột gài vào móc sắt, máng vào miệng lu mái đầm, đậy kín nắp. Những con chuột đồng làm sẵn béo ngậy được gài vào móc sắt, móc vào miệng lu mái đầm (lu ba vú), đậy kín nắp lại. Lu đặt trên lớp gạch tiểu cao khoảng 2 tấc trét đất sét thật kín, chừa một lỗ nhỏ để vô than.
Mỗi đợt quay khoảng 45 phút. Canh chừng 30 phút, giở nắp lu, trở bề chuột quay cho chín đều. Chừng 10 phút sau, mùi thịt đồng quê thơm lừng tỏa ra, khiến người khảnh ăn bụng dạ cũng "rạo rực". Thịt chín tới, phết một lớp nước sốt khiến cả mặt trong và mặt ngoài trở nên bóng lưỡng, vàng tươm trước khi giao chuột quay cho khách.
Mùa khô ở miền Tây oi nồng, nhưng sau cuộc đi săn, vào núp dưới bóng râm, dân ruộng thường khoái thưởng thức ngay món chuột nướng. Củi rơm sẵn, rau, trái sẵn trong bờ ruộng, mương vườn, món "fast food đồng quê" sẽ làm họ quên nhanh cảm giác nhọc nhằn. Với dân biết nhậu thì không thể thiếu một chút men cay khi bày ra món này.
Trên đây là những đặc sản quê hương mà tôi biết, xin chia sẻ mọi người. Nếu có dịp thì hãy ghé quê hương Vĩnh Long yêu thương để đi du lịch nhé!
Theo nguồn internet